Bidrico – Quyết tâm chinh phục thị trường Nhật Bản bằng lối đi riêng
Bền bỉ hành trình hơn 22 năm nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nước giải khát chất lượng và tốt cho sức khỏe, Bidrico nhanh chóng trở thành bạn đồng hành tin cậy của người tiêu dùng Việt và tự tin vươn tầm quốc tế, xây dựng cho mình một hệ thống thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, Bắc Phi, Lào, Campuchia, Myanmar.…
Ngay những ngày đầu xuân mới Giáp Ngọ, Bidrico vinh dự được tổ chức UNESCO trao tặng chứng nhận “Đạo đức toàn cầu”; Doanh nghiệp tiêu biểu vì môi trường xã hội Do Bộ Tài nguyên & Môi trường trao tặng; Top 10 Doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an sinh xã Hội 2013 do Hội nhà Báo Việt Nam trao tặng. Hàng loạt tin vui cùng đến chắc chắn mang lại cho Ông nhiều cảm xúc?
Tôi rất xúc động và tự hào khi Bidrico liên tiếp “gặt hái” nhiều giải thưởng vinh danh như vậy. Nhận được những phần thưởng này đồng nghĩa với việc các tổ chức xã hội, các Bộ Ngành, các cơ quan báo chí đã xem xét và cân nhắc rất kỹ về đạo đức kinh doanh của Bidrico. Một phần do chúng tôi liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao; thêm vào đó những sản phẩm của Bidrico đưa ra thị trường từ trước tới nay chưa bị hư hỏng hay vướng bất kỳ vụ tai tiếng nào về chất lượng.
Trong toàn bộ quá trình phát triển, chúng tôi luôn tôn trọng và không ngừng nỗ lực phấn đấu vì quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Sự tôn trọng này thể hiện ở việc Bidrico luôn đầu tư đổi mới hệ thống máy mọc thiết bị tiên tiến, không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất; đồng thời chủ động áp dụng rất nghiêm ngặt các quy trình quản lý và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2008, HACCP, CGMP; các chứng chỉ quốc tế về tiêu chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ như FDA, FCE, SID… cho các dòng sản phẩm nước giải khát của mình. Nhờ vậy mà sản phẩm của chúng tôi ngày càng nâng cao về chất lượng và hoàn toàn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Mặt khác Bidrico luôn chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn An toàn – Vệ sinh – Môi trường; chủ động xây dựng mội trường xanh và sạch trên các tiêu chí: đảm bảo VSATTP – vệ sinh cá nhân, khí thải nước thải luôn đạt chuẩn…Điển hình như theo qui định của các KCN, vấn đề xử lý nước thải của các doanh nghiệp chỉ cần loại B; tuy nhiên nước thải của Bidrico luôn đạt loại A.
Về mặt tiêu chuẩn đạo đức, Bidrico luôn thân thiện, tôn trọng mọi người và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội như: xây nhà tình nghĩa tại Bến Tre; xây cầu tại Cà Mau; tham gia chương trình ngư dân bám biển, cấp học bổng cho sinh viên nghèo Quảng Trị; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, xe lăn cho người tàn tật, tổ chức vui chơi cho trẻ em nghèo Hà Nội và các nơi khác trong lễ hội trăng rằm; tài trợ chương trình mùa hè xanh của Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM; gần đây nhất là Bidrico hỗ trợ cho chương trình Trái Tim Biển Đảo do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức nhằm kêu gọi cả nước chung tay góp sức chia sẻ mất mát khó khăn của những gia đình chiến sĩ đang công tác tại quẩn đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn đang ngày đêm bám biển. Bidrico thường xuyên hỗ trợ tài chính cho CBCNV mua nhà, đứng ra tổ chức đám cưới cho nhân viên khi gia đình họ ở xa không có điều kiện ….Việc hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và chăm lo tốt đời sống của đội ngũ CBCNV của Bidrico cũng đã phần nào thể hiện sự cam kết của chúng tôi đối với sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội; đồng thời thể hiện sự gần gũi, thân thiện của doanh nghiệp với khách hàng, nhân viên thông qua các hoạt động vì con người.
Bidrico được đánh giá cao nhờ sự ổn định và phát triển ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Vào thời điểm nhiều doanh nghiệp đang gồng mình vật lộn với khủng hoảng thì những kinh nghiệm “vượt sóng” của Bidrico chắc chắn sẽ là bài học rất quý giá. Hẳn bản thân ông cũng rất vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm này?
“Thương trường như chiến trường”, thực sự là một cuộc chiến khốc liệt và sẽ không “nương tay” với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và trụ vững trên thị trường trong cuộc khủng hoảng kinh tế với những biến động khôn lường như hiện nay. Với Bidrico, chúng tôi đã vững vàng đi qua nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Việc “chung sống” và phát triển hiệu quả bên cạnh những “ông lớn”, cũng đã phần nào minh chứng được bản lĩnh kinh doanh và sự sáng suốt của Bidrico khi biết lựa chọn cho mình một lộ trình đúng đắn, một chiến lược phát triển toàn diện trên thương trường đầy sóng gió. “Muốn có sản phẩm tốt thì phải có máy móc tiên tiến, công nghệ hiện đại”, chính vì vậy chúng tôi luôn chú trọng đầu tư đầu tư đổi mới, cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất, hiện đại hóa kỹ thuật công nghệ. Năm 2008 được xem là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên đây lại chính là thời điểm Bidrico dành sự đầu tư khá lớn cho công nghệ, thiết bị máy móc; đó là chưa kể đến mức đầu tư vào nhà máy bao bì nhựa. Riêng từ tháng 10/2013 đến nay, chúng tôi ráp thêm 4 dây chuyền sản xuất.
Ngay thời điểm kinh tế đang ì ạch, sức tiêu thụ giảm, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc mình cần đầu tư cho hệ thống máy móc thiết bị theo chiều sâu và căn cứ vào điều kiện, vào khả năng của mình, chúng tôi dành bình quân từ 2 – 3 triệu USD/năm cho khoản đầu tư này.
Ở Bidrico, chúng tôi đặc biệt xem trọng sự đổi mới và vấn đề đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tôi nhớ thời điểm năm 2008, khi thực hiện quy trình ISO, HACCP, tôi có mời một tiến sĩ, trước đây làm cố vấn cho Toyota đến giảng về Hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing). Qua một tuần huấn luyện, chúng tôi đã tiết giảm được 85 nhân lực trong chuyền sản xuất (chuyển qua khâu khác), loại bỏ được những thiết bị hỗ trợ, trung gian và năng suất tăng thêm 15%. Nhưng điều làm tôi vui nhất là sau khóa học, các nhân viên của chúng tôi vẫn hăng say nói về chương trình này và nó vẫn được vận dụng cho đến hôm nay.
Đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân lực là vấn đề cốt yếu, tuy nhiên biết phát hiện và trọng dụng nhân tài còn quan trọng hơn. Đó cũng chính là một trong những bí quyết thành công của Bidrico. Trong quá trình đầu tư, tôi đã từng nhập dây chuyền sản xuất có công suất 12.000 sản phẩm/giờ nhưng tôi muốn tăng thêm công suất nên ra đề bài nếu ai cải tiến được sẽ có thưởng. Thoạt đầu, ba, bốn kỹ sư nghiên cứu, thử nghiệm không thành công; cuối cùng bằng sự bám sát thực tế, người giải được bài toán này lại là một nhân viên đứng máy. Tôi đã quyết định trao học bổng toàn phần đại học cho anh. Ở Bidrico, chúng tôi luôn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và sẵn sàng khen thưởng cho những đề án cải tiến quy trình kỹ thuật, quản lý cho nhân viên chỉ với quan niệm duy nhất là đào tạo nhân lực giỏi trước tiên sẽ có lợi cho bản thân nhân viên và sau đó là có lợi cho Công ty. Nếu chúng tôi không làm điều này, có lẽ đến giờ chúng tôi đã tụt hậu khá xa so với các doanh nghiệp khác, cũng chẳng thể nào tồn tại và đứng vững trên thương trường cho đến ngày hôm nay.
Đối với các thương hiệu lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tại mỗi thị trường xuất khẩu, họ đều xây dựng cho mình một nhãn hàng riêng. Với Bidrico thì sao, thưa ông?
Khi Bidrico đánh vào thành thị, chúng tôi đã nghĩ đến việc xuất khẩu. Từ năm 2006, chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Đức. Năm 2007, khi tham dự một khóa học ở Pháp, tôi khá bất ngờ khi thấy hàng của Bidrico được bán rất nhiều trong siêu thị. Lúc này tôi nghĩ sẽ tiếp tục đưa hàng sang châu Âu, nhưng chẳng may năm 2008 khủng hoảng tài chính ở Mỹ rồi bắt đầu lan sang châu Âu nên dự định này đã không thành hiện thực. Sự cố này khiến Bidrico dừng hẳn việc xuất hàng sang thị trường Mỹ lẫn châu Âu, dù trước đó tôi cũng đã đưa hàng sang Canada.
Khi mọi chuyện tưởng chừng bế tắc thì năm 2009, chúng tôi tìm đến thị trường châu Á do ít biến động, trong khi mức độ tăng trưởng của các nước này cũng cao. Do vậy, chúng tôi bắt đầu mở rộng tìm kiếm những thị trường xuất khẩu tiềm năng, từ Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, Bắc Phi cho đến Lào, Campuchia và sau này là thị trường Myanmar.
Sau khi chúng tôi nhận được các giải thưởng chất lượng quốc tế do tổ chức Business Initiative Directions (BID) bình chọn thì lượng khách đặt hàng bắt đầu tăng lên. Trước đây, chúng tôi chưa quảng cáo trên Alibaba hay Google nên khả năng để nhận biết thương hiệu Bidrico rất thấp. Vừa qua, chúng tôi cũng đã xuất hàng sang 14 quốc gia và đã bắt đầu xuất sang Mỹ. Ở tất cả các thị trường xuất khẩu, sản phẩm của Bidrico đều giữ nguyên thương hiệu. Chỉ riêng thị trường Nhật, họ ít khi chấp nhận nhãn hàng của riêng doanh nghiệp mà phải sản xuất theo họ, trừ những thương hiệu lớn đã nổi tiếng trên toàn cầu. Chúng tôi cũng đang đàm phán để bán hàng vào thị trường Nhật và bước đầu cũng có kết quả tích cực. Ngay như thị trường Đài Loan, cách đây 4 năm, họ tẩy chay một nhãn nước tăng lực vì có cafein, nước tăng lực của chúng tôi không chứa cafein nên xuất sang được và bây giờ thì đơn hàng sang đây đều đặn hằng tháng.
Đối với xuất khẩu, trước khi xuất hàng đi nước nào, chúng tôi đều tìm hiểu rất kỹ vì một khi hàng bị trả về thì doanh nghiệp đó đã bị ghi vào sổ đen, sẽ rất khó cho lần xuất khẩu sau. Chúng tôi đã xuất nhiều sản phẩm đầu tiên đi Myanmar thông qua một nhà phân phối tiềm lực của Myanmar. Tôi nghĩ, họ đã quan sát chúng tôi từ xa qua ba lần chúng tôi tham gia hội chợ ở bên đó cũng như những lần tham gia hội thảo với các doanh nghiệp lẫn quan chức. Thậm chí họ qua Việt Nam âm thầm tìm hiểu, họ chỉ đến với chúng tôi một lần duy nhất và ký hợp đồng. Họ biết chúng tôi nhiều hơn là chúng tôi biết về họ. Hiện nay, doanh số xuất khẩu của Bidrico cũng chiếm gần 20% tổng doanh số của Công ty.
Được biết Bidrico đã và đang liên kết với một số các đối tác Nhật Bản để sản xuất và gia công xuất khẩu nước giải khát vào thị trường Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ thêm về chương trình hợp tác này?
Trong năm 2013 chúng tôi đã tham gia triển lãm sản phẩm tại Hội chợ Quốc tế Thực phẩm – Đồ uống (Foodex Japan 2013) tại Nhật Bản và có một số đối tác Nhật đã tìm đến Bidrico để hợp tác sản xuất gia công, bán hàng vào thị trường Nhật Bản. Hiện chúng tôi và một số đối tác Nhật cũng đang ký hợp đồng hợp tác để sản xuất những sản phẩm đồ uống cung cấp cho các siêu thị của Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản là một thị trường nổi tiếng khắt khe và cầu toàn, đặc biệt đối với vấn đề chất lượng và VSATTP. Để xuất khẩu thành công sản phẩm vào thị trường này, hẳn Bidrico có một hướng đi riêng?
Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, những yêu cầu về tiêu Chuẩn sản phẩm thật khắt khe. Còn đối với thị trường Nhật, lại càng khặt khe hơn, nhất là vấn đề VSATTP luôn được đặt lên hàng đầu, một ví dụ điển hình là qui định về chỉ tiêu dư lượng kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này là 10 lần thấp hơn so với các nước châu Âu. Về vấn đề này, Bidrico hoàn toàn đáp ứng được và đáp ứng tốt các tiêu chí của đối tác Nhật.
Bên cạnh yếu tố chất lượng, đối với một thị trường khó tính như Nhật Bản, chữ Tín và chất lượng càng được coi trọng. Nhận thức được vấn đề này, Bidrico luôn tận tâm, chu đáo, tuân thủ nguyên tắc lấy chất lượng chữ Tín làm đầu và luôn nỗ lực đem đến cho khách hàng Nhật những sản phẩm chất lượng nhất. Chính sự khắt khe và hoạt động có kỷ luật đã giúp thương hiệu Bidrico ngày càng nhận được sự tin tưởng hợp tác của các đối tác Nhật.
Chúng tôi rất mong muốn ngày càng nhiều sản phẩm của Bidrico được lựa chọn để đưa vào thị trường Nhật Bản bởi sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí của họ. Mặt khác, chúng tôi sẵn sàng chào đón các đối tác Nhật đến chuyển giao công nghệ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như cách quản lý để cùng hợp tác làm ăn lâu dài và hiệu quả. Nhất định chúng tôi sẽ làm cho các đối tác Nhật hài lòng và không bao giờ phải hối tiếc vì quyết định hợp tác của mình.
0 comments
Comments