Chuyện nước giải khát Bidrico “sống” bên cạnh “ông lớn”
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đau đáu với bài toán phải tồn tại để giữ thương hiệu Việt
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (nước giải khát Bidrico) là một trong những doanh nghiệp hoạt động với quan điểm này. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng giám đốc, sau gần 30 năm có mặt trên thị trường, giai đoạn này là khó khăn nhất dưới tác động của đại dịch nhưng công ty ông vẫn xác định giữ thương hiệu Việt cho người Việt.
Từ cơ sở sản xuất nước giải khát Quang Minh với thương hiệu là Bidrico ở thời điểm đầu thành lập năm 1992, với 26 con người, vật chất thiếu thốn. Bằng ý chí và sự kiên trì, ông Nguyễn Đặng Hiến đã đưa thương hiệu này ngày càng phát triển.
Đến năm 2001, ông đổi tên và thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico). Từ đó hàng loạt sản phẩm mang nhãn hiệu A*nuta, Yobi, Restore, Bi’s nest… có mặt trên thị trường.
Có thể nói, nước giải khát Bidrico là một trong số ít những thương hiệu Việt tồn tại trên thị trường hàng chục năm qua, “sống” bên cạnh những “ông lớn” là các tập đoàn đa quốc gia. Ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ, để có chỗ đứng trên thị trường đến thời điểm này, chiến lược của công ty là tập trung đầu tư công nghệ mới và nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng nhu cầu về sức khoẻ của người tiêu dùng.
Ngay từ khi thành lập, Bidrico đã được định hướng là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khoẻ và đang được tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường… Hàng loạt sản phẩm mới ra đời như nước chanh muối Restore – sản phẩm chủ lực của TP HCM giai đoạn 2018-2020; nước yến sào nha đam – sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP HCM năm 2020; nước tinh khiết Bidrico là nước uống chính thức của Hội nghị cấp cao APEC 2017…
Doanh nghiệp cũng chú trọng tìm nguồn nguyên liệu thiên nhiên và từ Việt Nam – với chủ trương nội địa hoá để cung cấp nguyên liệu dễ dàng và khuyến khích thúc đẩy ngành nông nghiệp trong nước. Đây cũng là chiến lược hoạt động giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 từng xảy ra từ đầu năm 2020 đã khiến việc đứt gãy chuỗi cung ứng và đứt gãy luôn chuỗi phân phối trong nước và nước ngoài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Nhưng sau đó, kể từ lần dịch thứ 2 trở đi (giữa năm 2020), Bidrico đã đặt ra mục tiêu xây dựng lại chuỗi cung ứng, trong đó công ty đặt mối quan tâm tới các quốc gia có nền kinh tế đã phát triển và kiến thức tiêu dùng của người tiêu dùng ở mức cao.
Hiện một số sản phẩm của Bidrico như nước chanh muối, nước tinh khiết, nước nha đam… vẫn nhận được đơn hàng từ các đối tác ở Nhật, Singapore. Mục tiêu của doanh nghiệp là sẽ khôi phục lại các thị trường xuất khẩu khác khi dịch Covid-19 qua đi.
Trong quá trình hoạt động, có mặt trên thị trường, không ít lần thương hiệu Bidrico được một số tập đoàn lớn trên thị trường đặt vấn đề mua lại, hoặc góp vốn, mua cổ phần để cùng nhau phát triển.
“Bây giờ nhiều doanh nghiệp trong nước khó khăn do đại dịch, bài toán giữ thương hiệu Việt lại càng đau đầu hơn. Xây dựng thương hiệu luôn là điều kiện tiên quyết nếu DN muốn trụ lại trên thị trường, bởi nếu không có nét riêng, đặc biệt sẽ ít được sự chú ý từ người tiêu dùng và bị “đồng hoá” bởi những sản phẩm cùng loại khác” – ông Nguyễn Đặng Hiến bày tỏ.
Thế nên thời điểm này, dù khó khăn do dịch bùng phát, yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách quảng bá thương hiệu, duy trì độ nhận diện sản phẩm với người tiêu dùng.
Ở những nơi chưa có dịch, chưa yêu cầu về giãn cách xã hội, nhân viên Bidrico vẫn tiếp cận trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm; nơi nào có dịch thì tăng cường quảng bá, marketing online, chạy những chiến dịch quảng bá trong nội bộ để nhân viên hiểu công ty, hiểu sản phẩm từ đó tạo sự lan toả với bạn bè, người thân của họ…
Dư địa ở thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn, vẫn rất hấp dẫn đối với công ty nước ngoài. Như ở một số nước trong khu vực, bình quân một người tiêu thụ khoảng 25 lít đồ uống/năm, trong khi Việt Nam con số này chỉ mới 15-17 lít, tiềm năng còn lớn. Điều này lý giải vì sao nhiều công ty của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… nhảy vào lĩnh vực đồ uống của Việt Nam thời gian qua.
Để tồn tại trong giai đoạn khó khăn, một số thương hiệu Việt sẽ chấp nhận góp vốn, bán bớt cổ phần để có dòng tiền duy trì hoạt động, nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro có thể “giết chết” thương hiệu của mình.
“Bài toán giữ thương hiệu Việt không đơn giản, đặc biệt là những lúc này, nhưng với Bidrico, chúng tôi xây dựng cơ sở đầu tiên ở TP HCM, hoạt động gần 30 năm ở thị trường trong và ngoài nước nên chưa hề có ý định dừng lại. Giữ thương hiệu chính là giữ sự tồn vong của doanh nghiệp” – ông Nguyễn Đặng Hiến bộc bạch.
Box:
Đến nay, hàng chục sản phẩm của Bidrico đã có mặt trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 400 đại lý phân phối; riêng sản phẩm nước uống đóng chai bình 19L có đến hơn 1.000 đại lý ở khu vực TP HCM và các vùng lân cận. Sản phẩm của Bidrico còn xuất khẩu sang 14 quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe vào hàng bậc nhất trên thế giới. Nhà máy sản xuất đa chức năng của Bidrico cũng đã được xây dựng mở rộng lên tổng diện tích 15.000m2 ngay tại TP HCM với các công nghệ chiết rót tự động, công nghệ tiệt trùng UHT, công nghệ chiết nóng được chế tạo từ Pháp, Đức, Thụy Điển…
Nguồn: Báo Người Lao Động
0 comments
Comments