Doanh nhân Nguyễn Đặng Hiến: “Làm sao phải giữ được thương hiệu Việt cho người Việt”

22-03-18 | 1:54

Doanh nhân Nguyễn Đặng Hiến:

“Làm sao phải giữ được thương hiệu Việt cho người Việt”

Với mạng lưới phân phối rộng khắp từ Bắc chí Nam và hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới, Công ty Tân Quang Minh với thương hiệu Bidrico đang từng bước tạo lòng tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đem lại niềm tự hào chính đáng cho hàng Việt trên trường quốc tế. Trong sự tỏa sáng của thương hiệu Bidrico hôm nay, bên cạnh những giọt mồ hôi nước mắt của hàng ngàn người lao động, không thể không kể đến vai trò “cầm trịch” của người sáng lập – Tổng giám đốc Nguyễn Đặng Hiến… gặp ông những ngày đầu xuân Ất Mùi, những tâm sự rất thật của ông về chuyện đời, chuyện nghề, về những tháng ngày tạo nghiệp nhọc nhằn để lại cho lớp trẻ hôm nay một hình mẫu doanh nhân lý tưởng: dám đam mê, hoài bão; dám dấn thân và lăn xả vào trốn thương trường để tạo ra cho đất Việt những thương hiệu trường tồn.

Từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn rời làng quê, dấn thân vào chốn thương trường và gặt hái được những thành công như ngày hôm nay là điều không phải ai cũng làm được, Ông có thể chia sẻ thêm về những năm tháng gian nan nhưng rất đáng tự hào mà Ông đã trải nghiệm để đi đến thành công ngày hôm nay?

Với tâm nguyện học giỏi để lập thân lập nghiệp, năm 1968 tôi rời làng quê Cổ Lũy (tỉnh Quảng Trị) để vào Nam. Tại TP.HCM, tôi sống cùng người anh họ được 1 năm, sau đó cũng phải tự mình bươn chải kiếm sống bằng rất nhiều nghề như phụ hồ, quét vôi, làm gia sư…. Với bản tính chịu khó, chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức nên học xong lớp 9 tôi được đặc cách phổ cập lên thẳng lớp 11và có một số vốn tiếng Anh rất căn bản và tôi sự dụng đi giao dịch trong và ngoài nước cho đến tận hôm nay mà không phải học thêm qua một trường lớp nào.

Tốt nghiệp Đại học Tài chính – Ngân Hàng năm 1978 và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường, nhưng tôi đã quyết định rời bục giảng để dấn thân vào chốn thương trường, với khởi đầu là một cơ sở làm nước đá. Năm 1992, với số vốn ban đầu ít ỏi 10,5 triệu đồng, tôi mạnh dạn lập cơ sở sản xuất nước giải khát mang thương hiệu Bidrico trên cơ ngơi rộng 600m2 với vỏn vẹn chỉ 26 lao động. Chỉ một năm sau, các sản phẩm của Bidrico đã hiện diện ở nhiều địa phương trên toàn quốc và thườngđược các thương lái mang ra Hà Nội bán ở khắp các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm…..

Năm 1995, khi Bidrico ra mắt người tiêu dùng cả nước các sản phẩm nước ngọt có gaz, cũng là lúc các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam. Để trụ lại trong sân chơi khắc nghiệt này, tôi xác định Bidrico phải mở rộng mặt bằng sản xuất và đầu tư nhiều hơn về thiết bị, nhân lực. Do đó, nhà máy được chuyển về đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM với diện tích mặt bằng 3.500 m2. Sự chọn lựa nhạy bén này đã mang lại hiệu quả tích cực. Giai đoạn từ 1995 – 2002, Bidrico đã có hơn 30 sản phẩm được người tiêu dùng biết tiếng. Năm 2003, Bidrico chuyển về khu công nghiệp Vĩnh Lộc trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với nhà máy hiện đại trên diện tích hơn 15.000 m2, doanh thu mỗi năm tăng trung bình từ 25- 30%.

Với số vốn ít ỏi và kiến thức về thương trường còn hạn hẹp, thế nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn, ông đã xây dựng thành công thương hiệu Bidrico và ông gìn giữ nó như thế nào ?

Công cuộc dựng xây thương hiệu được đánh đổi bằng cả đời người, đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu, gia tăng thị phần luôn được Bidrico chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập và chúng tôi luôn cố gắng chọn lọc cách làm thương hiệu phù hợp nhất, trên tinh thần chung là “liệu cơm gắp mắm”. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, trên cơ sở xác định rõ không thể cạnh tranh trực diện với “những ông lớn” như Coca Cola hay Pepsi. Bidrico đã mạnh dạn tìm cho mình lối đi riêng, góp nhặt thị phần trong phân khúc còn nhiều dư địa là thị trường nông thôn để chuyên tâm sản xuất ra những sản phẩm vừa có chất lượng cao vừa phù hợp với thu nhập và thị hiếu của bà con nông dân. Một khi tôi đã quyết định chọn thị trường nông thôn để làm bàn đạp cũng đồng nghĩa với việc tôi đã chọn cách làm thương hiệu với chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả nhất.

Ngoài ra Bidrico luôn chọn phương pháp marketing trực tiếp, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đây không chỉ là cách làm chắc chắn, mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp mà ngươi tiêu dùng còn được trực tiếp dùng thử ngay được sản phẩm của Bidrico. Xây thương hiệu đã khó, việc giữ gìn và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn, chính vì vậy Bidrico cũng luôn quan tâm nâng cao giá trị thương hiệu và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, nhất là thông qua các hoạt động cộng đồng – xã hội giàu ý nghĩa.

Sau hơn 22 năm bền bỉ hoạt động với tâm huyết mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm nước giải khát có lợi cho sức khỏe, hiện Bidrico là một trong rất ít những doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam sở hữu nhiều thương hiệu đồ uống đã được định vị tốt trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng như: Nước yến ngân nhĩ Bidrico, trà xanh A*nuta, nước tăng lực Bidrico không gaz và có gaz, nước Chanh Muối Restore, nước ép trái cây A*nuta, sữa chua uống Yobi, nước uống bổ sung vitamin Restore… Bên cạnh việc giữ thị trường nông thôn, Bidrico vươn ra chinh phục các thị trường thành thị thông qua các kênh phân phối hiện đại. Hiện nay các sản phẩm của Bidrico đã có mặt tại hơn 100 siêu thị trên cả nước và xuất khẩu sang hơn 15 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Myanmar, Lào, Cam PuChia và các nước Châu Phi….

Nhưng điều tôi trăn trở nhất là làm sao giữ thương hiệu Việt cho người Việt. Tôi thấy thật xót xa khi nhiều thương hiệu Việt dần rơi rụng hoặc bị thôn tính. Ngay thương hiệu Bidrico mà chúng tôi bền bỉ tạo dựng hơn 20 năm qua cũng không thoát khỏi tầm ngắm của các “ông lớn” nước ngoài, trong đó có nhiều tên tuổi lừng danh cử người tiếp cận, đặt vấn đề nhượng quyền thương hiệu nhưng tôi chưa gật đầu với tập đoàn nào cả, còn xem họ muốn gì, lộ trình của họ ra sao rồi mới tính.

TPP được ký kết đồng nghĩa với thuế suất thuế nhập khẩu các loại bia, rượu, nước giải khát sẽ hạ xuống mức 0%, hàng hoá nước ngoài sẽ vào Việt Nam với giá rẻ. Đây thực sự là một mối lo ngại lớn đối với Bidrico nói riêng cũng như các doanh nghiệp ngành hàng giải khát trong nước nói chung, và nguy cơ cho một cuộc cạnh tranh quyết liệt ngay trên chính sân nhà của mình là điều không thể tránh khỏi. Để có thể trụ vững và cạnh tranh ngang ngửa trong bối cảnh này, điều đầu tiên chúng tôi phải nghĩ tới là hạ giá thành, nhưng phải làm sao vẫn nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Trong hai năm gần đây Bidrico đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho rất nhiều máy móc dây chuyền thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công và chi phí sản xuất để tiến tới hạ giá thành sản phẩm. Đó cũng là một bước chuẩn bị được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng cho việc cạnh tranh và gia nhập TPP sắp tới.
Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, bản thân tôi vẫn có niềm tin, Bidrico sẽ đứng vững trên thị trường bởi chúng tôi có lợi thế riêng, đó chính là am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt. Quan trọng hơn, sau hàng loạt sự cố hàng kém chất lượng từ Trung Quốc, hàng nhái hàng giả, người tiêu dùng đang đặt niềm tin nhiều hơn vào hàng Việt Nam. Chính vì vậy tôi luôn tin tưởng Bidrico sẽ trụ vững và phát triển tốt, bất chấp có TPP hay không.

Cũng nằm trong lợi thế am hiểu tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng Việt, được biết Bidrico đã tham gia hàng trăm phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; đồng thời là một mạnh thường quân hưởng ứng rất nhiệt tình và luôn đi tiên phong trong phong trào vận động người Việt dùng hàng Việt, ông đánh giá như thế nào về chủ chương này của Bộ Chính trị?
Tôi rất tâm đắc với cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt do Bộ Chính trị phát động. Và khi chủ chương này đi vào thực tế đã thực sự tạo ra một hiệu ứng lan tỏa, góp phần làm thay đổi tâm lý, thói quen tiêu dùng của người Việt vốn trước đây chỉ chuộng hàng ngoại. Có thể nói cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là một cuộc “Đại Marketing”, không chỉ làm cho người tiêu dùng thay đổi tâm lý sính ngoại, tin tưởng vào chất lượng của hàng Việt hơn mà còn góp phần “buộc” các nhà sản xuất cũng phải thay đổi sản phẩm, mẫu mã và chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm của mình. Tôi mong rằng chủ chương này luôn được phát huy và quan tâm hơn nữa từ các cơ quan ban ngành và mọi ngành nghề để thương hiệu Việt luôn đi vào lòng người Việt và toả sáng trên khắp thế giới.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Lương Thực Thực phẩm TPHCM, Ông có những ý kiến đóng góp gì với Chính Phủ và các cơ quan chức năng để Bidrico nói riêng và các DN nói chung phát triển bền vững?

Chính phủ phải làm sao phải có những chính sách vĩ mô tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay với lãi xuất phù hợp, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi xuất rất cao. Đồng thời chúng ta cũng nên rà soát lại các chính sách về thuế, để giảm bớt chi phí thuế cho doanh nghiệp. Nếu phí thuế tăng cao hàng hoá tăng, sức mua giảm, kéo theo hệ luỵ dây chuyền là công nhân thiếu việc làm, hệ thống phân phối mất đi thu nhập, ảnh hướng lớn đến người lao động.

Một vấn đề nữa là trong thời gian gần đây giá dầu giảm, nhưng nhà nước lại đang rục rịch tăng giá điện là rất vô lý, giá điện tăng thì sẽ đội giá thành sản phẩm lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tôi kiến nghị nhà nước không nên tăng giá điện.

Về phía Bidrico, nhân dịp năm mới chúng tôi muốn gửi tới người tiêu dùng lời chào trân trọng và sự biết ơn vô hạn vì người tiêu dùng đã tin tưởng và sử dụng các sản phẩm của Bidrico trong thời gian qua. Chúng tôi muốn gửi tới người tiêu dùng niềm tin vào sản phẩm của Bidrico, sử dụng sản phẩm của Bidrico chính là biểu hiện cao nhất niềm tự hào hàng Việt của mỗi người tiêu dùng Việt Nam.

0 comments

Comments

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *