Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch HĐ thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh – Bidrico

22-03-18 | 7:45

Sẽ nhường ghế cho người giỏi hơn mình

Vừa trở về từ London (Anh) để nhận giải thưởng “Vương miện Chất lượng Quốc tế hạng kim cương” (International Quality Crown Award in the Diamond category) do Business Initiative Directions (BID) trao tặng, ông Nguyễn Đặng Hiến có những câu chuyện thú vị về giải thưởng này đã đem đến cho Bidrico những cơ hội như thế nào ở thị trường xuất khẩu, cũng như hành trình phát triển đầy sóng gió của Bidrico trong thị trường giải khát nội địa vô cùng cạnh tranh.

* Đây là lần thứ ba Bidrico được BID bình chọn nhưng thực sự nhiều người sẽ thắc mắc bằng cách nào BID biết đến Bidrico?

– Đây cũng là những thắc mắc mà tôi đã từng đặt ra với BID khi hay tin Bidrico được giải thưởng vàng “Ngôi sao quốc tế chất lượng dẫn đầu 2011” do BID bình chọn và trao giải tại Paris (Pháp). Phía BID đã khá sốc khi tôi hỏi “liệu tôi có bị lừa phỉnh hay không?”. BID cho biết, họ đã tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới và khuyên tôi hãy tìm hiểu thêm thông tin trên website của họ.

BID đã tìm hiểu thông tin về Bidrico qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, hồ sơ xuất khẩu, lấy thông tin trên báo chí Việt Nam, nước ngoài… Sau đó, tôi đã liên lạc qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và được cho biết đây là giải thưởng danh giá, lúc này tôi mới an tâm làm thủ tục để đi nhận giải.

Tiêu chí bình chọn thì mỗi năm mỗi khác, ngay như năm 2011 là xét đến vai trò của nhà lãnh đạo, sự đổi mới – sáng tạo, hệ thống quản trị, công nghệ, tầm phát triển (tổng tài sản, tăng trưởng về tổng doanh thu, về mặt xuất khẩu), hậu cần của doanh nghiệp (DN).

Với Bidrico, họ nhắm vào sự ổn định, phát triển trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là mở rộng thị trường ra nước ngoài. Sau khi nhận giải, thông tin về Bidrico được truyền thông khá nhiều, như việc báo chí Tây Ban Nha cũng có bài viết về chúng tôi. Tôi nghĩ ở nước ngoài mà đăng như vậy là tốn rất nhiều tiền, trong khi chúng tôi hoàn toàn được hỗ trợ miễn phí.

* Nhận giải thưởng quan trọng của nước ngoài rồi, ông có còn quan tâm đến các giải thưởng trong nước?

– Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được nhiều thư mời tham gia giải thưởng dành cho DN trong nước. Nhiều giải thưởng uy tín nhưng cũng không ít giải thưởng đi kèm những điều khoản tài trợ với chi phí rất cao.

Tôi thấy, để Việt Nam có thể tạo được một giải thưởng có tiếng vang thì rất hiếm, đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khi nêu cái tên rất kêu, nhưng hiệu quả không có gì.

Trong khi, với giải thưởng do BID tổ chức, chúng tôi chỉ tốn phí ăn uống, ở khách sạn và tiêu xài lặt vặt tầm vài ngàn USD… nhưng hiệu quả rất cao. Ở nước ngoài, nhiều giải thưởng độc lập, không tôn vinh, không lễ hội nhưng thực sự hỗ trợ DN rất nhiều trong xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường…

* Bidrico được đánh giá cao nhờ sự ổn định và phát triển trong giai đoạn khó khăn. Vào thời điểm nhiều DN đang vật vã với khủng hoảng, kinh nghiệm của Bidrico có lẽ là một bài học quý giá. Chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu được ông chia sẻ kinh nghiệm này.

– Năm 2008, giai đoạn được xem là khó khăn đối với các DN thì chúng tôi đầu tư khá nhiều vào công nghệ, thiết bị. Đó là chưa kể đến mức đầu tư vào nhà máy bao bì nhựa. Riêng từ tháng 10/2013 đến nay, chúng tôi ráp thêm 4 dây chuyền, trong lúc kinh tế đang ì ạch, sức tiêu thụ giảm, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc mình cần đầu tư vào hệ thống thiết bị.

Căn cứ vào điều kiện và khả năng, chúng tôi đã đầu tư bình quân từ 2 – 3 triệu USD/năm. Ở Bidrico, chúng tôi xem trọng sự đổi mới và đào tạo nhân lực. Tôi nhớ thời điểm năm 2008, khi thực hiện quy trình ISO, HACCP, tôi có mời một tiến sĩ, trước đây làm cố vấn cho Toyota, đến giảng về Hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing).

Qua một tuần huấn luyện, chúng tôi đã tiết giảm được 85 nhân lực trong chuyền sản xuất (chuyển qua khâu khác), loại bỏ được những thiết bị hỗ trợ, trung gian và năng suất tăng thêm 15%. Nhưng điều làm tôi vui nhất là sau khóa học, các nhân viên của chúng tôi vẫn hăng say nói về chương trình này và nó được vận dụng cho đến hôm nay.

Trong quá trình đầu tư, tôi đã từng nhập dây chuyển sản xuất có công suất 12.000 sản phẩm/giờ nhưng tôi muốn tăng thêm công suất nên ra đề bài nếu ai cải tiến được sẽ có thưởng.
Thoạt đầu, ba, bốn kỹ sư nghiên cứu, thử nghiệm không thành công, cuối cùng, bằng sự bám sát thực tế, người giải được bài toán này lại là một nhân viên đứng máy. Tôi đã quyết định trao học bổng toàn phần đại học cho anh.

Ở Bidrico, chúng tôi luôn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và sẵn sàng khen thưởng cho những đề án cải tiến quy trình kỹ thuật, quản lý cho nhân viên chỉ với quan niệm duy nhất là đào tạo nhân lực giỏi trước tiên sẽ có lợi cho bản thân nhân viên và sau đó là có lợi cho công ty. Nếu chúng tôi không làm điều này thì có lẽ đến giờ chúng tôi đã tụt hậu khá xa so với các DN khác.

* Mức tăng trưởng về đầu tư này có tương ứng với sự tăng trưởng về tổng doanh thu của Bidrico không, thưa ông?

– Mức tăng trưởng của chúng tôi không đồng đều giữa các năm. Điều này cũng dễ hiểu, vì từ 2009 đến 2010, Bidrico đầu tư rất cao, có năm tăng trưởng 38,2%, trong khi thị trường thì đang bị khủng hoảng kinh tế chi phối. Đến năm 2011, mức tăng trưởng không còn như trước, thời gian này tác động của kinh tế đến người tiêu dùng đã bắt đầu rõ rệt.

Bidrico cũng nhận thấy sức mua đang chững lại. Tuy nhiên, chúng tôi không ngồi im chịu trận.
Ví dụ, sức mua trước đây là 10 đồng, bây giờ chỉ còn lại 5 đồng, chúng tôi phải tìm cách để bù đắp 5 đồng thất thu đó bằng cách mở rộng gấp đôi số điểm bán hàng.

Trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi chủ yếu chú trọng công tác phát triển thị trường, huy động các phòng, ban từ marketing, quản trị kinh doanh để hỗ trợ phòng bán hàng mở rộng kênh phân phối.

Nhờ vậy, doanh số của Bidrico không giảm mà còn tăng trong giai đoạn được cho là khó khăn. Năm 2012, chúng tôi có may mắn là đẩy mạnh sức tăng trưởng của mặt hàng nước ngọt lon. Năm 2013, ngay từ tháng 11, mặt hàng nước ngọt lon đã tăng 32% so với các năm trước.

* Nhìn vào sơ đồ phát triển thị trường có thể thấy, Bidrico phát triển tốt ở thị trường nông thôn hơn là ở đô thị lớn. Có phải do Bidrico không dám đấu trực diện với các thương hiệu lớn trong ngành?

– Nếu nói chúng tôi dùng nông thôn bao vây thành thị là không phải. Trên thương trường mình phải biết chọn thị trường, nếu mới bắt đầu mà chúng tôi chọn một thị trường cạnh tranh thì tôi nghĩ rằng mình đã chết từ hồi nào chứ không còn như bây giờ nữa.
Năm 1992, khi Bidrico còn là cơ sở Quang Minh, chúng tôi đã phổ biến trong nội bộ chiến lược phát triển 4 giai đoạn, gồm: sản phẩm – phân phối – marketing – nhân lực.

Thời điểm đó, Việt Nam cũng mới thoát khỏi mô hình kinh tế bao cấp, với đồng lương ít ỏi, nếu làm riêng, một người chủ DN cũng chưa có tiền nhiều. Nên chiến lược của chúng tôi là đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng.
Tôi vẫn nhớ, cùng với Quang Minh, thị trường còn có nhiều DN sản xuất nước ngọt thủ công. Họ cho đá vào bình lắc để bão hòa khí CO2, nhưng chúng tôi chọn công nghệ tốt hơn, với độ tinh khiết cao hơn và đưa ra thị trường sản phẩm nước ngọt không gas phù hợp với sức mình cùng với chiến lược phân phối đưa sản phẩm về nông thôn, lấy đây làm thị trường trọng điểm.

Khi đó, chúng tôi dựa vào hệ thống buôn chuyến từ chợ Bình Tây làm địa bàn trọng điểm để mở kho với 42 điểm bán hàng ngay tại chợ. Hàng của Bidrico đến nông thôn nhiều, sau đó tràn ra cả miền Bắc. Vì sao chúng tôi chọn thị trường này?
Vì lúc đó thị trường đã có Tribeco, Chương Dương. Năm 1991, Pepsi vào Việt Nam, sau đó là Coca-Cola, nếu xuất hiện ở thị thành, chúng tôi sẽ không đủ điều kiện về thiết bị, kinh nghiệm thương trường, công thức chế biến và ngay cả vốn sản xuất. Nên chúng tôi chọn thị trường nông thôn, ở đây chúng tôi không bị cạnh tranh.

Cho đến giai đoạn 1995-2000, khi nhận thấy thị trường nông thôn đã trở thành hậu phương vững chắc, Bidrico cũng có tài chính, kinh nghiệm và nhân lực tốt hơn, tôi quyết định tiến về thị tứ, thị xã tại các tỉnh với những sản phẩm được nâng dần lên về mẫu mã, chất lượng.

Bidrico lần lượt sản xuất nước có gas, nước khoáng, nước tăng lực, sữa chua… và dần dần chúng tôi cũng định vị được thị trường ở đây. Khi vào các thành phố thì làm nước tăng lực, nước yến ngân nhĩ, trà bí đao, đánh mạnh ở miền Bắc và miền Trung như: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang rồi về Cần Thơ.

Và đến mốc thời gian 2007-2010, Bidrico đưa sản phẩm chủ lực vào các kênh siêu thị, các nhà phân phối tại TP. HCM. Hiện nay, chúng tôi đang củng cố thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu. Quan điểm của tôi là đi chậm và chắc, không vung tay quá trán mà chỉ liệu cơm gắp mắm.

Chúng tôi không làm các chiến dịch quảng cáo với kinh phí khổng lồ mà tạo kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Với phương pháp này, nếu tiếp xúc được 10 người, họ thấy sản phẩm ngon thì ít nhất có 6 người mua, quan trọng là phải tổ chức được hệ thống phân phối tốt.

* Ông sẽ làm gì nếu các tên tuổi lớn trong ngành giải khát tràn về chiếm cứ thị trường nông thôn, hậu phương của Bidrico?

– Nguyên tắc của các DN sản xuất thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là phải bán ở tất cả các thị trường. Chúng tôi đã đi từ thị trường nông thôn lên thành thị, còn họ nắm giữ thị trường lớn là thành phố nên việc họ về nông thôn cũng là chuyện bình thường.
Vấn đề là chúng tôi phải ứng phó với tình huống này như thế nào. Công việc của chúng tôi là làm sao để biến khách hàng của mình thành những khách hàng thân thiện, khách hàng ở đây không chỉ là người tiêu dùng, mà là các nhà phân phối. Đồng thời phải giữ vững chất lượng và giá không đổi.

* Đối với các thương hiệu lớn trong FMCG, tại mỗi thị trường, họ đều xây dựng một nhãn hàng riêng. Vậy Bidrico đã xây dựng kênh phân phối và nhãn riêng khi xuất khẩu như thế nào?

– Khi Bidrico đánh vào thành thị, chúng tôi đã nghĩ đến việc xuất khẩu. Từ năm 2006, chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Đức. Năm 2007, khi tham dự một khóa học ở Pháp, tôi khá bất ngờ khi thấy hàng của Bidrico được bán rất nhiều trong siêu thị.
Lúc này tôi nghĩ sẽ tiếp tục đưa hàng sang châu Âu, nhưng chẳng may năm 2008, khủng hoảng tài chính ở Mỹ rồi cũng bắt đầu lan sang châu Âu nên đã không còn kỳ vọng. Sự cố này đã khiến Bidrico dừng hẳn việc xuất hàng sang thị trường Mỹ lẫn châu Âu, dù trước đó tôi cũng đã đưa hàng sang Canada.

Tất cả đều bế tắc, đến năm 2009, chúng tôi loay hoay và nghĩ đến thị trường châu Á do ít biến động, trong khi mức độ tăng trưởng của các nước này cũng cao. Do vậy, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm rất nhiều, từ thị trường Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, Bắc Phi đến Lào, Campuchia…, và sau này là thị trường Myanmar.

Sau khi chúng tôi nhận được giải do BID bình chọn thì lượng khách đặt hàng bắt đầu tăng lên. Trước đây, chúng tôi chưa quảng cáo trên Alibaba hay Google nên khả năng để nhận biết thương hiệu Bidrico rất thấp. Vừa qua, chúng tôi cũng đã xuất hàng sang 14 quốc gia và sắp tới sẽ bắt đầu xuất sang Mỹ.

Ở tất cả các thị trường xuất khẩu, sản phẩm của Bidrico đều giữ nguyên thương hiệu. Chỉ riêng thị trường Nhật, họ không bao giờ chấp nhận nhãn hàng của riêng DN mà phải sản xuất theo họ, trừ vài thương hiệu lớn như Coca-Cola, Pepsi, Budweiser… Chúng tôi cũng đang đàm phán để bán hàng vào thị trường Nhật và bước đầu cũng có kết quả tích cực.

Ngay như thị trường Đài Loan, cách đây 4 năm, họ tẩy chay một nhãn nước tăng lực vì có cafein, nước tăng lực của chúng tôi không chứa cafein nên xuất sang được và bây giờ thì đơn hàng sang đây đều đặn hằng tháng.

Đối với xuất khẩu, trước khi xuất hàng đi nước nào, chúng tôi đều tìm hiểu rất kỹ vì một khi hàng bị trả về thì DN đó đã bị ghi vào sổ đen, sẽ rất khó cho lần xuất khẩu sau. Còn với thị trường Myanmar, được cho là miền đất hứa nhưng hầu hết các DN Việt đều xuất khẩu rất nhỏ giọt.

Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ xuất 5 container đầu tiên đi Myanmar thông qua một nhà phân phối tiềm lực của Myanmar. Tôi nghĩ, họ đã quan sát chúng tôi từ xa qua ba lần chúng tôi tham gia hội chợ ở bên đó cũng như những lần tham gia hội thảo với các DN lẫn quan chức.

Thậm chí, họ qua Việt Nam âm thầm tìm hiểu, họ chỉ đến với chúng tôi một lần duy nhất và bảo chúng tôi chuẩn bị đơn hàng, làm hợp đồng. Họ biết chúng tôi nhiều hơn là chúng tôi biết về họ. Hiện nay, doanh số xuất khẩu của Bidrico cũng chiếm gần 20% tổng doanh số của Công ty.

* Với chính sách trọng dụng người tài, chứ không chỉ có cha truyền con nối, đến nay ông đã chọn được người kế thừa sự nghiệp của mình chưa?
– Bidrico ra đời dưới dạng vốn liếng của gia đình, bốn người con của tôi đều làm việc ở đây. Nhưng tôi đọc được ý nghĩ của mọi người, nếu như con tôi nắm được vị thế có thể thay thế tôi thì những người khác cố gắng cũng vô ích, nên tôi công khai sau này người nào giỏi, có thể lèo lái con thuyền Bidrico thì sẽ kế thừa việc điều hành DN này.

Chúng tôi không mị họ, tôi nhận thấy nhân viên nhận biết được điều này và rất phấn đấu, có những người làm việc theo quan điểm hết việc chứ không hết giờ. Tôi thấy hạnh phúc với những người đang cộng tác với mình. Các con tôi cũng không có thái độ tiêu cực với chủ trương này.

Tôi thường nói với chúng: “Thuật sử dụng người là phải đặt để nhân viên đúng vị trí, các con có thể làm chủ tài sản, nhưng người ta giỏi hơn mình thì phải để người ta điều hành. Vốn, tài sản là của mình nhưng để phát triển tài sản đó thì phải để cho những người có năng lực điều hành”.

*Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!\

0 comments

Comments

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *