Nhân vật Nguyễn Đặng Hiến – Tổng giám đốc công ty Tân Quang Minh (Bidrico)

19-03-18 | 2:04
Ong Nguyen Dang Hien - TGD công ty TNHH $ SX TM Tan Quang Minh

SỐNG LÀ KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO

Bước ra từ một vùng quê lam lũ của tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đặng Hiến luôn mang trong lòng nỗi day dứt với món nợ áo cơm và khát vọng cháy bỏng về việc đổi đời. Bằng lối tư duy độc lập và triết lý “sống là không ngừng sáng tạo”, ông Nguyễn Đặng Hiến đã tạo dựng nên một thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam – Bidrico. Giờ đây tên tuổi của ông đã trở thành một “nhân hiệu”, thấm sâu vào văn hóa doanh nghiệp làm cho thương hiệu Bidrico ngày càng phát triển, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thương trường.

Tôi gặp ông từ một sự ngẫu nhiên cũng như bao sự ngẫu nhiên khác trong cuộc đời. Ông có nụ cười rất hiền, cách nói chuyện hài hước, dí dỏm hết sức cuốn hút bởi tầm trí tuệ và thấm đẫm chất nhận văn. Điều này đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp về ông ngay lần gặp đầu tiên. Và qua những lần trò chuyện với ông, tôi thật sự cảm mến và khâm phục bởi ý chí vươn lên, nghị lực phi thường của con người từng trải, có nhân cách sống cao đẹp và một tâm hồn cao thượng.

Ông Nguyễn Đặng Hiến xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có 6 anh chị em tại nơi vùng quê không mấy trù phú thuộc xã Cổ Lũy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ở đây quanh năm chỉ có gió Lào, cát trắng, người nông dân phải làm việc cật lực, quanh năm lam lũ với ruộng đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng họ tự bao đời nay. Gia đình Nguyễn Đặng Hiến cũng năm trong cảnh khổ đó, một hạt cơm phải cõng dăm bảy hạt ngô, miếng sắn nên ông thấm thía và thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân, từ đó trong đầu cậu bé Hiến đã hình thành nên ý nghĩ phải làm thế nào để bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”.

Tuy nghèo khó nhưng Nguyễn Đặng Hiến được sống trong một gia đình hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương, che chở, đùm bọc của cha mẹ. Các cụ thân sinh của ông vẫn nuôi quyết tâm cho con ăn học thành tài, với mong muốn các con mình nhờ cái chữ mà thay đổi được số phận, thoát khỏi sự nhọc nhằn nơi đồng ruộng.

Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, vốn sinh ra từ “gốc rạ”, lại gặp lúc quê hương chìm trong cảnh mưa bom bão đạn của chiến tranh. Quê hương Quảng Trị của ông lại là một trận tuyến ác liệt, cuộc sống vốn khó lại càng khó hơn. Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, củi quê, gạo cao nên cậu bé Hiến hằng ngày sau buổi học phải lam lũ ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt tép để phụ giúp gia đình. Gian khổ thiếu thốn là vậy nhưng với quyết với quyết tâm vượt khó, Hiến vẫn luôn là một trong những học sinh giỏi nhất của trường. Dường như hoàn cảnh khắc nghiệt đã tạo cho ông một tính cách mạnh mẽ, sâu thẳm trong tâm thức mình, ông luôn có ý thức vươn lên, quyết tâm vượt khó, quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ và đó cũng là con đường tốt nhất để thoát khỏi cảnh nghèo.

Năm 1968, vừa học hết lớp đệ tứ (lớp 9), ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng Nguyễn Đặng Hiến đã làm một cuộc đột phá lớn, ông rời gia đình tạm biệt làng quê, quyết khăn gói vào Sài Gòn nuôi nghiệp lớn hy vọng làm một cuộc đổi đời. Tại đây, thay vì phải học hết lớp 10 như bạn bè. Nguyễn Đặng Hiến được Ban Giám hiệu trường Sainth Tomas cho học vượt lên lớp 11 bởi học lực vượt trội của cậu học trò miền đất Quảng.

Từ vùng quê nghèo lên Thành phố là cả một sự ngỡ ngàng , không tiền, không bà con thân thích nhưng cậu học sinh đất Quảng không hề nản lòng, ông luôn tâm niệm một điều rằng mình có quyết tâm thì mọi chuyện sẽ vượt qua. Kể từ đây, Nguyễn Đặng Hiến phải sống cuộc sống tự lập, bươn chải với đủ thứ nghề, từ trông xe đến bốc vác, không từ một nghề nào miễn là chính đáng và lương thiện để mưu sinh cũng như lo cho việc ăn học chốn thị thành. Đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, công sức của mình đã giúp Hiến có thể trang trải cho cuộc sống và điều quan trọng là nó giúp ông tự tin, mạnh mẽ, trưởng thành hơn để tiếp tục nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình.

Thời gian thấm thoát qua đi, vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn nơi “đất khách quê người”, điều mong chờ nhất cũng đến, Nguyễn Đặng Hiến trở thành cử nhân kinh tế, cử nhân tài chính – ngân hàng. Sau đó, bằng tài năng và trí tuệ của mình, ông lần lượt đảm nhận các trọng trách như giảng viên trường ngân hàng TP.HCM, trưởng phòng Nghiệp vụ kiêm quản đốc cho một công ty chế biến thực phẩm lớn tại Sài Gòn. Ở vào thời điểm đó, có một việc làm, thu nhập ổn định là niềm mơ ước của nhiều người.

Nhưng với Nguyễn Đặng Hiến, điều đó vẫn chưa thỏa mãn, ông muốn hiện hữu hóa ước mơ mà từ lâu ông hằng khao khát, ấp ủ đó là trở thành Doanh nhân để có thể tự điều khiển, hoạch định đích tới cho con tàu doanh nghiệp của mình. Và công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) mà Nguyễn Đặng Hiến là Tổng Giám Đốc hiện là Doanh Nghiệp tầm cỡ và uy tín đang sở hữu hàng chục nhãn hiệu nước giải khát phủ khắp thị trường trong nước và quốc tế. Bidrico hiện là một trong những thương hiệu nước giải khát hàng đầu được khách hàng trong và ngoài nước tin, đánh giá cao. Phải nói rằng, từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn rời làng quê, bước chân vào chốn thị thành và đạt được những thành công như Nguyễn Đặng Hiến là điều không phải ai cũng làm được.

Ông là người mộc mạc chân thành và ít bộc lộ nhưng tên tuổi của ông đã trở thành một “nhân hiệu” uy quyến, gắn liền với tiến trình phát triển và xây dựng thương hiệu của Bidrico trên thương trường. Giờ đây, Nguyễn Đặng Hiến đã trở thành một Doanh Nhân tầm cỡ, những ước mơ đơn sơ và nỗi lo thường nhật về “cơm, áo, gạo, tiền” của chàng trai xứ Quảng năm xưa đã lùi xa, nhường chỗ cho những khát vọng lớn lao hơn, xứng tầm với một thương hiệu lớn trong thời kì hội nhập. Bidrico đang phát đi thông điệp mạnh mẽ đến với cộng đồng Quốc Tế thông qua những sản phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của một thương hiệu  “made in Viet Nam”.

Năm 1992, Nguyễn Đặng Hiến khởi đầu sự nghiệp với một cơ sở sản xuất nhỏ mang tên Quang Minh với 26 cán bộ công nhân cùng các thiết bị giản đơn, chưa ai biết đến. Nhưng với tư duy mới mẻ trong quản lý, trong phong cách phục vụ khách hàng, những hoài bão lớn đã đưa công ty trở thành thương hiệu nước giải khát lớn mạnh có nhà máy sản xuất quy mô với 7 dây chuyền chiết rót công nghệ hàng đầu châu Âu, với hơn 500 công nhân cùng hàng ngàn đại lý phân phối tại Việt Nam và trên thế giới…

Nguyễn Đặng Hiến, với khả năng phân tích nhạy bén đã xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cho Bidrico theo 4 bước, từ ngoài vào trong: Đầu tiên là chiếm lĩnh thị trường vùng sâu, vùng xa, kế đến là thị trấn, thị tứ, sau đó đến các tỉnh, thành phố nhỏ, cuối cùng là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Trong chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, ông Hiến làm theo kiểu “chậm mà chắc”, thông qua các hội chợ, triển lãm tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Đây là cách tiếp cận thị trường theo kiểu đánh “du kích”, sau đó chọn thời điểm thích hợp sẽ tung sản phẩm ra “đánh tổng lực”. Từ cách làm này, sản phẩm của Bidrico đã có mặt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng.

Để giúp cho Bidrico phát triển bền vững, Nguyễn Đặng Hiến xem con người là nhân tố quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Ngoài công tác tuyển dụng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ cao thì việc trọng dụng nhân tài và xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn được ông quan tâm đúng mức. Ông đối xử với người lao động như bà con ruột thịt trong nhà, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ làm việc và cống hiến cho công ty.

Sự mới mẻ về phương pháp tiếp cận khách hàng và sự sáng tạo trong cách làm của Nguyễn Đặng Hiến đã mang lại thành công lớn cho Bidrico. Nhưng không dừng lại ở đó, ông luôn khát khao khám phá những điều mới lạ, chấp nhận sóng gió để khẳng định mình. Cho dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Nguyễn Đặng Hiến cũng cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu đưa ra giải pháp tối ưu để thực thi công việc thông qua giải pháp của riêng mình. Ông không muốn làm việc theo lối mòn, cũng như dưới áp lực hay sắp đặt của ai đó.

Có thể nói, cái “chất” Nguyễn Đặng Hiến đã bộc lộ từ rất sớm, khi ông quyết định tha hương lúc chưa đầy 15 tuổi đến thời sinh viên, từ một cách đơn giản nhưng ít ai ngờ về tính hiệu quả của nó là dùng khả năng ghi chép tốc ký của mình để “thuật” lại lời giản của thầy giáo rồi in ra bán cho các sinh viên đã giúp ông có thêm thu nhập. Trong cương vị là trưởng phòng nghiệp vụ kiêm quản đốc cho một nhà máy chế biến thực phẩm, ông đã đề ra một giải pháp kỹ thuật không mấy phức tạp, ít tốn kém mà theo đó chỉ 3 tháng sau, sức tiêu thụ sản phẩm của nhà máy đã tăng gấp 5 lần, đưa công suất nước đá của nhà máy từ 30 lên 50 tấn / ngày. Rồi ngay cả khi xin nghỉ việc để mở cơ sở sản xuất riêng chỉ vì một sự tự ái nhưng ông vẫn chứng minh được cái khả năng thiên bẩm “chẳng giống ai” của mình, thông qua tính hiệu quả và sự lớn mạnh từng ngày của doanh nghiệp do ông đứng đầu.

Cho dù là một cậu học sinh nghèo hay ở cương vị là “thuyền trưởng” của một công ty lớn như Bidrico, Nguyễn Đặng Hiến cũng chứng tỏ được tính cách mạnh mẽ và tinh thần học hỏi không ngừng và luôn giữ được sự mộc mạc chân tình vốn có quả là một điều đáng quý. Giờ đây khi ở cái tuổi lục tuần, tóc đã điểm bạc, là người đứng đầu của một doanh nghiệp tên tuổi. Tất cả đối với ông như một sự nghiệm sinh trong cuộc đời nhưng sự sáng tạo trong ông vẫn dâng trào và không ngừng nghỉ như thời ông còn ở tuổi thanh niên.*

Nguồn: Công Phương – Hùng Cường

0 comments

Comments

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *