Sinh ra trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em tại vùng quê nghèo xã Cổ Lũy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tuổi thơ của ông Nguyễn Đặng Hiến là chuỗi ngày nghèo khó trong cảnh bom đạn chiến tranh.
Năm 1968, vừa học hết lớp 9, Hiến tạm biệt làng quê vào Sài Gòn bươn chải với đủ thứ nghề, từ trông xe đến bốc vác, làm thuê để có tiền đi học. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế, cử nhân tài chính – ngân hàng, ông lần lượt làm giảng viên đại học, trưởng phòng nghiệp vụ kiêm quản đốc cho một công ty chế biến thực phẩm lớn tại Sài Gòn. Tuy nhiên, với mong muốn được làm một việc theo ý tưởng riêng, ông đã thành lập Cơ sở Sản xuất nước giải khát Bidrico với vỏn vẹn 26 lao động, và giờ đây, sự nỗ lực của ông đã đưa Bidrico trở thành một thương hiệu Việt nổi tiếng.
* Trải qua hành trình tự lập sự nghiệp bằng trí tuệ và nỗ lực của bản thân, ông có điều gì nhắn gửi các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay?
Cách đây hơn 30 năm, việc chọn nghề của thế hệ chúng tôi khác xa bây giờ. Thời kỳ đó, công việc ít hơn, cơ hội tìm được việc làm rất khó khăn và rất ít có sự lựa chọn. Nhưng ít không có nghĩa là không có cơ hội. Năm 1992, nhận thấy nhu cầu nước giải khát rất lớn, cung không đủ cầu, với số vốn 10,5 triệu đồng, tôi mạnh dạn lập cơ sở sản xuất nước giải khát mang tên Bidrico. Lúc đó, tôi chỉ kinh doanh theo cảm tính, thấy thị trường cần thì làm, chẳng biết mình có đi đúng hướng không, cũng chưa có tầm nhìn cho các năm tới. Tuy nhiên, khi đã làm tôi đặt hết tâm huyết vào sản phẩm và biết chọn đúng phân khúc ngách, “đánh trúng” nhu cầu người dùng. Phân khúc còn nhiều dư địa tôi nhận ra và cũng để tránh đối đầu với các công ty lớn là thị trường nông thôn, với những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa phù hợp với thu nhập của bà con nông dân. Chỉ một năm sau, sản phẩm của Bidrico đã hiện diện ở nhiều tỉnh.
Mặc dù “trái ngọt” đã có nhưng tôi không chủ quan, luôn nghĩ đây là lĩnh vực rất nhiều thách thức nên phải tìm tòi hướng đi mới. Quả thật, năm 1995, khi Bidrico ra mắt loại nước ngọt có gas, cũng là lúc các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam. Để trụ lại trong “sân chơi” khắc nghiệt này, tôi quyết định mở rộng mặt bằng sản xuất và đầu tư nhiều hơn về thiết bị, nhân lực.
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ sớm có tinh thần và khát khao được làm chủ, được khởi nghiệp riêng. Tôi rất ủng hộ các bạn ấy, nhất là các bạn muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Bởi đây là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và thương hiệu Việt nhưng cũng rất nhiều thử thách, đòi hỏi sự kiên trì. Tuy nhiên, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công phải có chiến lược rõ ràng, phải định hướng dài hạn từ ngành nghề, sản phẩm đến định vị khách hàng. Lúc mới khởi nghiệp, phải chọn phương pháp nào, công nghệ nào, mức vốn bao nhiêu, tất cả phải được tính toán rất kỹ. Song, trên hết là phải dám dấn thân. Có nhiều bạn trẻ có ý tưởng và kế hoạch tốt, tính toán khả thi nhưng lại sợ khó, sợ thất bại và không dám dấn thân.
* Nan giải nhất đối với các bạn trẻ khởi nghiệp là thiếu vốn, theo ông, giải quyết thách thức này thế nào?
Khi tôi sản xuất nước ngọt Bidrico, đã có nhiều doanh nghiệp đi trước gặp khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu lúc đó tôi nhìn vào họ thì nản chí ngay. Nhưng tôi đã tìm trong cái khó của họ đâu là những điểm yếu phải tránh và điểm mạnh để học hỏi. Thời đại bây giờ cơ hội khởi nghiệp nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nhất là nghèo về vốn, công nghệ, nghèo về kiến thức quản lý nên khó cạnh tranh. Vì vậy, trong việc tìm cơ hội thì phải lượng sức mà chọn quy mô doanh nghiệp phù hợp. Cứ đi từng bước, chậm đều theo triết lý kinh doanh “chậm mà chắc”. Tân Quang Minh thành công cũng nhờ thế.
Một khó khăn khác mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp gặp phải, đó là đầu ra của sản phẩm. Ngày nay, các bạn có công nghệ số để giải quyết bài toán này nhưng thời của tôi thì tất cả phải tự tìm kiếm. Tôi tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm khách hàng. Đây là cách tiếp cận thị trường theo kiểu “đánh du kích”, sau đó chọn thời điểm thích hợp để tung sản phẩm ra “đánh tổng lực”. Từ cách làm này, Bidrico dần có chỗ đứng trên thị trường.
* Bidrico được chọn là nhà tài trợ sản phẩm trong sự kiện APEC năm 2017, ông rút ra điều gì từ thành công này?
Có nhiều thương hiệu lớn tham gia ứng viên tài trợ sản phẩm cho Hội nghị APEC 2017, nhưng Bidrico được chọn bởi đạt ba tiêu chí: sản phẩm thuần Việt, chất lượng đạt các tiêu chí khắt khe nhất của Hoa Kỳ và Nhật Bản, bao bì đẹp mắt và sang trọng.
Với tầm quan trọng của Hội nghị APEC, việc được chọn tài trợ nước uống cũng phần nào bảo chứng cho sản phẩm của Bidrico trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Qua đó, chúng tôi có thêm niềm tin và sự hứng khởi để phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau Hội nghị APEC 2017, sản phẩm Biđrico lan tỏa rộng hơn, không chỉ trong nước mà cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan… đã đặt mua sản phẩm dù trước đó họ chưa biết về Bidrico. Đặc biệt chúng tôi kết nối được với khách hàng ở Cộng hòa Liên bang Đức và Ba Lan. Nhờ vậy, sản lượng hai năm nay liên tục tăng, nhất là các đơn hàng sang Thái Lan. Đây là điều rất đáng tự hào vì trước nay, chỉ có nước giải khát của Thái Lan vào Việt Nam, ít ai nghĩ hàng Việt Nam lại vào Thái Lan. Doanh nghiệp tạo được uy tín sản phẩm cũng chính là tạo ra hình ảnh đẹp về sản phẩm Việt Nam, tạo ra sự tin tưởng sản phẩm Việt Nam.
* Ông đã đầu tư như thế nào để Bidrico giành được “chiếc vé” phục vụ Hội nghị APEC 2017?
Khi đến một nước nào đó, không thấy sản phẩm của mình, ngược lại, sản phẩm của họ lại có ở nước mình, tôi thấy thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt và Bidrico. Tôi thường tự hỏi, phải làm gì để sản phẩm của mình ngang tầm sản phẩm các nước giàu, và câu trả lời là chỉ có công nghệ mới, nguồn nguyên liệu an toàn. Thế là tôi quyết định dồn vốn đầu tư vào công nghệ, đầu tư vùng nguyên liệu để có nguyên liệu sạch. Từ đó hàng loạt sản phẩm ra đời, như nước nha đam, nước yến nha đam, chanh dây, chanh muối, xoài. Trong đó, nước chanh muối được làm từ trái chanh tươi theo công nghệ truyền thống, không dùng hương liệu, trái chanh được ủ ba tháng rồi lấy nước cốt chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế trên dây chuyền hiện đại, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh, lại bổ dưỡng nên được chọn là sản phẩm chủ lực của TP.PHCM.
Với tâm huyết làm ra sản phẩm sạch, bổ dưỡng, tôi đang đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ quỹ đất khoảng 25ha để trồng chanh theo phương pháp hữu cơ công nghệ cao.
* Theo đuổi chương trình ấy, lợi nhuận của Bidrico được tính toán như thế nào, thưa ông?
Sản phẩm hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao sẽ khó cạnh tranh về giá với sản phẩm thông thường. Khó khăn nhất là góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Tuy nhiên, đã xác định đầu tư lâu dài thì phải chấp nhận trước mắt lợi nhuận thấp, thậm chí là mong hòa vốn. Trong một thế giới phẳng, thu nhập của người dân cao dần lên, tôi tin, hành trình dài này cũng nhanh chóng được rút ngắn.
* Không ít sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã nhưng vẫn chưa ra được thị trường nước ngoài, theo ông, đâu là nguyên do?
Điểm hạn chế lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đem sản phẩm ra nước ngoài là do chương trình xúc tiến thương mại của ta còn nghèo nàn, khiến sản phẩm Việt Nam dù ngon, đẹp, độc đáo vẫn bị lu mờ so với sản phẩm của nhiều nước. Ông bà xưa có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Ngày nay, câu nói này không còn phù hợp. Muốn xuất khẩu sản phẩm thì phải có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, vì chỉ có Nhà nước mới tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin chính thức về thị trường, khuynh hướng và mức độ tiêu dùng của từng khu vực, từng nước một cách cụ thể. Còn nếu cứ để doanh nghiệp tự tìm hiểu, tự xúc tiến thương mại thì hiệu quả sẽ manh mún, hạn hẹp cả về quy mô, độ lớn của thị trường, nhất là không có thông tin đủ độ tin cậy để thiết lập mối quan hệ và có chiến lược đầu tư bền vững.
Mỗi lần đi hội chợ nước ngoài, nhìn thấy doanh nghiệp các nước có hàng chục, hàng trăm gian hàng và đằng sau họ là sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, trong khi doanh nghiệp nước ta chỉ có năm bảy gian hàng, không có chương trình xúc tiến thương mại đúng tầm, tôi và nhiều doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy tủi thân.
Ngoài việc xúc tiến ra nước ngoài thì chính sách đầu tư trong nước cũng cần được quan tâm. Nếu so sánh với doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp trong nước không được hưởng ưu đãi bằng. Theo tôi, Chính phủ nên tăng dần ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam, như thế mới tạo sân chơi công bằng. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng và triệt để cải cách thủ tục hành chính, bỏ những quy định không phù hợp để doanh nghiệp đỡ mất thời gian, chi phí để tập trung vào sản xuất, kinh doanh.
Nước ta có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại có chương trình không thiết thực và phần lớn doanh nghiệp chỉ nghe nói chương trình chứ khó chạm tới. Một phần do không có thông tin, phần khác không đủ năng lực hoặc bị chậm chân.
* Theo ông, thủ tục hành chính nào đang làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhất?
Nhiều lắm. Đơn cử việc cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cứ kéo dài thời gian, có khi kéo dài một năm hoặc hơn. Trong khí đó, ở các nước chúng tôi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì nhanh hơn rất nhiều. Chính điều này đã ảnh hưởng việc kinh doanh của doanh nghiệp và phải chịu thiệt thòi vì thời gian xin phép kéo dài đủ để người khác ăn cắp, nhái nhãn mác, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả, thậm chí nhái luôn cách làm sản phẩm. Và khi có giấy bảo hộ thì nếu đi kiện cũng không tới đâu.
* Theo ông, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp những năm gần đây đã phát huy được vai trò kết nối và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp?
Tôi thấy nhiều hiệp hội doanh nghiệp tham gia phản biện chính sách của Nhà nước khá hiệu quả. Nhiều hiệp hội đã cùng doanh nghiệp hội viên khiếu nại về quyền lợi bị xâm phạm hay bị chèn ép. Nhiều hiệp hội đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại ở nước ngoài, kết nối cung cầu khá tốt. Vì vậy hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tham gia hội để nắm bắt thông tin, cơ hội, nhất là cơ hội giao lưu thương mại và hỗ trợ lẫn nhau.
* Một trong những rào cản đối với thế hệ lãnh đạo trẻ là thế hệ lãnh đạo lâu năm đã “già đi” trong cách điều hành, tư duy sáng tạo, còn ông…
Tôi dẫn dắt Bidrico thành công là do làm gì cũng đam mê và đến cùng, luôn học hỏi, đổi mới bản thân, doanh nghiệp và danh mục sản phẩm. Quan điểm của tôi là chỉ có đổi mới, sáng tạo, luôn làm mới mình mới giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Hằng năm chúng tôi dành khoảng 12% doanh thu cho sự đầu tư đổi mới và khuyến khích nhân viên đưa ra những ý tưởng sáng tạo. Trong một tập thể năng động, trẻ, tôi cũng bị cuốn theo nên chưa cảm thấy già. Hiện chúng tôi đang lưu trữ công thức nhiều sản phẩm dự phòng để khi phù hợp thì sử dụng.
* Có khi nào ông nghĩ đã đến lúc nghỉ ngơi?
Với tôi, được đi làm là sự hưởng thụ lớn nhất rồi. Điều tôi sợ nhất bây giờ là không được làm việc. Một khi còn việc để làm, để suy nghĩ, nhất là Bidrico càng ngày lớn mạnh thì tôi lại thấy khỏe ra, nhanh nhạy hơn. Tôi luôn ý thức việc cân bằng sức khỏe và công việc. Mỗi ngày, tôi chỉ cần đi hết các phòng ban, nhà máy trong công ty cũng đủ thể dục rồi!
* Cảm ơn ông về những chia sẻ !
0 comments
Comments